Hò khoan Lệ Thủy là sản phẩm văn hóa gắn liền với những đặc
thù sông nước nơi này. Lệ Thủy là cái nôi của hò khoan năm mái trữ tình được
chăm bẵm bằng tình yêu văn nghệ của con người nơi đây. Hò khoan Lệ Thủy được
vận dụng rất linh hoạt vào mọi sinh hoạt của nhân dân, nó có mặt cả trong lao
động, trong vui chơi, giải trí, lễ hội... Hò khoan Lệ Thủy có nhiều làn điệu
với những cách thức hò, chuyển nhịp, luyến láy, đế xố rất sinh động. Trong tiết
tấu rộn ràng của hò khoan ai cũng thấy hân hoan đến quên cả mệt nhọc, ưu phiền.
Trong những câu hò mộc mạc nhưng nội dung lại thấm đẫm chất trữ tình. Hò để mà
thổ lộ tình yêu đôi lứa. Hò để mà nhắn gửi những tâm đắc về nhân tình, thế
thái, những ưu tư về đối nhân xử thế, những tha thiết mặn nồng với quê hương và
trong cả cái cách sử dụng ngôn từ rất chi là Lệ Thủy.
Các
bạn thân mến!
“Hò khoan Lệ Thủy” là cuốn sách nằm trong việc
thực hiện nghị quyết TW 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến
tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Được sự quan tâm của Thường vụ Huyện ủy, Thường
trực UBND huyện lệ Thủy. Năm 1997, trung tâm văn hóa cho ra mắt “Hò khoan Lệ
Thủy” tập 1 được bạn đọc gần xa yêu thích. Để khai thác văn nghệ dân gian
“Hò khoan Lệ Thủy”, nền văn hóa truyền thống đã có từ lâu, nay được lưu truyền
từ đời này sang đời khác trong nhân dân.
Để
tiếp nối những thành công ấy, trung tâm văn hóa Lệ Thủy và những người cộng tác
viên tiếp tục sưu tầm, biên soạn, thông qua các cuộc thi “Hò khoan Lệ Thủy”
hàng năm tiếp tục cho ra mắt tập 2 “Hò khoan Lệ Thủy” vào dịp kỉ niệm Cách mạng
tháng 8 và Quốc khánh 2/9/2001.
Mọi
hình thức văn nghệ dân gian, đều thể hiện bản sắc văn hóa nơi nó sinh ra, đậm
đà, sâu sắc. Loại hình hò khoan Lệ Thủy Quảng Bình, không những thế mà còn là
loại hình rất độc đáo nữa. Do hoàn cảnh địa lý, người dân Quảng Bình phải gánh
chịu thiên tai hết sức khắc nghiệt và địch họa rất ghê gớm nên có tính cách
riêng. Lịch sử đã chứng minh, nhiều lần kẻ địch muốn hủy diệt vùng đất hẹp này
song lần nào người Lệ Thủy cũng anh dũng đứng lên đấu tranh thắng lợi, bằng
nhiều cách rất độc đáo, rất linh hoạt, lạc quan. Cuộc sống ấy được thấm đẫm vào
từng người rồi thể hiện ra trong 9 làn điệu hò: Mái chè, mái nện, mái xắp, mái
ba, mái ruỗi, mái nhì, hò khơi, hò nậu xăm, hò lĩa trâu. Trong 9 làn điệu ấy
thì hò mái xắp là phổ biến hơn cả, nó đặc biệt sâu rộng nên trước đây người Lệ
Thủy gần như già trẻ, gái trai đều biết hò. Chưa có một hình thức văn hóa, văn
nghệ nào mang tính phổ thông như hò khoan ở vùng này.
Các bạn ạ!
Chắc hẳn ai trong chúng ta
cũng biết, mỗi dân tộc, mỗi địa phương đều có những làn điệu dân ca đặc trưng.
Và Hò khoan Lệ Thủy thường diễn ra chủ yếu trong lúc làm việc, hò theo nhịp của
lao động chân tay, tay làm miệng hát, hò lúc đạp lúa, nhổ mạ, lúc cấy, gặt, đạp
lúa…hò giúp người ta quên đi mệt nhọc, vất vả, lo toan…Là người dân Lệ Thủy, sẽ
là thiếu sót nếu bạn chưa một lần nghe hò khoan, hát hò khoan và đọc
“Hò khoan Lệ Thủy”. Đây là một cuốn sách có giá trị về cả sưu tầm, biên
khảo và nghiên cứu. Các tác giả đã cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu quý giá,
những gì mà các tác giả gửi gắm vào cuốn sách này thật có giá trị cho việc bảo
tồn vốn cổ. Họ hẳn là những người yêu da diết những giá trị văn hóa quê hương
mới làm được như vậy.
Chỉ với hơn 200 trang sách
nhưng đã thể hiện và làm lan tỏa một tình yêu lớn, một niềm tự hào với quê
hương xứ Lệ thân yêu…
Xin trân trọng giới thiệu
đến toàn thể quý thầy cô và các em học sinh cùng tìm đọc!
