“Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn”
Đó là lời chào của người anh hùng Lý Tự Trọng gửi lại cho đồng bào, đồng chí chúng ta trước khi anh anh dũng hy sinh!
Bạn đọc thân mến! Viết về tinh thần quả cảm và sự hi sinh quên mình của
người anh hùng Lý Tự Trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người đoàn viên
đầu tiên của Đoàn thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản oanh liệt
đã đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng” (trích Hồ
Chí Minh toàn tập). Trong suốt cuộc đời mình, Lý Tự Trọng đã tận hiến và tận
trung với con đường cách mạng mà mình đã chọn. Sự hy sinh của anh là ngọn lửa
thổi bùng tinh thần yêu nước trong trái tim của biết bao thế hệ sau này.
Kính
thưa quý thầy cô giáo cùng các em học sinh yêu quý! Ngày 22 tháng 12 không chỉ
là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội Quốc phòng toàn
dân - Một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Để kỷ
niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 - 22/12/2023
và Ngày hội Quốc phòng toàn dân, nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất
của dân tộc, Thư viện nhà trường xin giới thiệu tới các thầy giáo, cô giáo và
các em học sinh cuốn sách: “Lý Tự Trọng - Sống mãi tên anh” của tác
giả Văn Tùng.
Vậy
anh hùng Lý Tự Trọng đã sống và chiến đấu anh dũng thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau
tìm đọc cuốn sách “Lý Tự Trọng - Sống mãi tên anh” do Văn Tùng sưu tầm và biên
soạn. Đây là cuốn sách được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản vào năm 2022, có độ
dày 120 trang, in trên khổ giấy 1,53x20,5cm nhé!
Thưa
quý bạn đọc!
Lý Tự Trọng (1914-1931) tên thật là Lê Hữu Trọng, còn
được gọi là Huy, quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra
trên nước bạn Thái Lan, nhưng Lê Hữu Trọng được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi
trường cách mạng. Gia đình anh là một trong những cơ sở cách mạng ở
Nakhonphanom (Thái Lan), đây là nơi bồi dưỡng cán bộ và trường quốc ngữ của Hội
Việt kiều.
Ngay từ nhỏ, Lê Hữu Trọng đã tỏ ra tư chất
thông minh, tiếp thu nhanh; anh còn đặc biệt say mê văn thơ yêu nước của cụ
Phan Bội Châu. Vì lẽ đó, anh sớm hiểu được nỗi khổ cực của nhân dân ta dưới chế
độ cai trị của thực dân phong kiến. Năm 1926, Lê Hữu Trọng được tổ chức Việt
Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập
và được Bác Hồ đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”. Tại đây, anh được
Bác Hồ đổi tên là Lý Tự Trọng (cùng họ với Lý Thụy – tên bí mật của đồng chí
Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ). Qua một thời gian ngắn, anh đã thông thạo tiếng
Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng
chí Hội. Ngoài ra anh còn học tốt nhiều ngoại ngữ tiếng Thái, Việt, Anh, Pháp,
Nga.
Lý Tự Trọng là người đoàn viên Thanh niên cộng sản đầu tiên, là
đảng viên cộng sản khi 15 tuổi, là Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản khi mới 16
tuổi và hi sinh anh dũng khi tròn 17 xuân xanh. Cuộc đời trong sáng và tấm
gương bất khuất, kiên cường của Lý Tự Trọng thật đáng để thế hệ thanh niên ngày
nay trân trọng và học tập.
“Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí
khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và
không thể là con đường nào khác”. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của
anh mãi là tấm gương, là bài học quý báu cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
Kính mời quý thầy cô giáo và các em học
sinh đến Thư viện tìm đọc!