GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 31
Số lượt truy cập: 3456071
QUẢNG CÁO
VIẾT VỀ NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM KHƠI DẬY KHÁT VỌNG CỐNG HIẾN VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC 12/15/2024 10:16:52 AM
Việt Nam quê hương em, cũng là đất nước thiêng liêng của những con người vô danh bình dị. Họ đã sống, chiến đấu và hiến dâng cuộc đời mình cho tổ quốc thân yêu. Máu họ đã thấm tươi lá cờ đỏ sao vàng, đã tô thêm màu xanh cho mỗi tấc đất quê hương. Để hôm nay tiếng hát hòa bình được cất lên thiết tha, xao xuyến trên mỗi cung đàn đất nước từ Bắc vào Nam.

Em đã có cơ duyên cầm trên tay một cuốn sách mà em đã không thể rời mắt sau khi bắt đầu đọc những dòng viết đầu tiên. Một cuốn sách rực lửa, ngọn lửa tranh đấu, ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa âm ỉ nhưng bền bỉ cháy trong trái tim một người con gái bé nhỏ đã dâng hiến tuổi xuân tươi đẹp của mình cho đất nước thân yêu. Cuộc đời Đặng Thùy Trâm cùng cuốn nhật kí của chị sẽ mãi là minh chứng cho lẽ sống cao đẹp của con người với con người, với tình yêu, tình cảm gia đình, tình bạn, tình đồng chí, tình cảm lí tưởng và hơn hết thảy là tình yêu quê hương đất nước. Với em, cuốn sách đã vượt lên một cuốn nhật kí thông thường để trở thành một tác phẩm văn học đầy sức lay động, hướng em tới lối sống tích cực, trách nhiệm với xã hội, khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc như tấm gương của chị Thùy Trâm trong cuốn sách mà từ nay trở đi em sẽ xem như lẽ sống, lí tưởng cuộc đời mình.

 A A1.jpg

Trang bìa cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”

Cuốn sách, tác phẩm mà em xin được giới thiệu trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2024 có tên là “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” do Nhà xuất bản Hội nhà văn liên kết với Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam xuất bản, ấn hành năm 2005, Đặng Kim Trâm chỉnh lý, Vương Trí Nhàn giới thiệu. Cuốn sách dày 322 trang với nội dung chính là hai cuốn nhật kí của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và những bài viết, những tư liệu ảnh cùng những bức thư, câu chuyện xoay quanh cuốn nhật kí có số phận đặc biệt của chị. Trang bìa cuốn sách in hình một trang nhật kí với nét chữ mảnh dẻ, đều đặn, bức chân dung của cô gái độ tuổi xuân xanh được đặt trên báng súng bên cạnh tấm áo màu xanh của người chiến sĩ giải phóng quân. Tựa đề cuốn sách được in nổi với hàng chữ “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”- những trang viết có số phận kì lạ của một nữ liệt sĩ 27 tuổi. Mở đầu cuốn sách là những lời giới thiệu, tri ân những con người đã từng ở cả hai bên chiến tuyến nhưng đều gặp gỡ nhau trong một mong mỏi - giữ lại cuốn nhật kí cùng những ý nghĩa vô giá của nó cho tất cả mọi người. Cuốn sách chia làm hai phần”: Phần I - Những ngày rực lửa dẫn trích hai cuốn nhật kí của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Quyển một 1968 và Quyển hai 1970; Phần II - Tư liệu ảnh.

A A2.jpg

Một trang cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”

Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942 trong một gia đình trí thức Hà Nội. Bố chị là ông Đặng Ngọc Khuê, bác sĩ ngoại khoa; mẹ chị là bà Doãn Ngọc Trâm, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội. Tuổi thơ của chị trải qua thời kỳ khốn khó trong những năm kháng chiến. Theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam ruột thịt, người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam, nơi những chiến sĩ của ta đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất. Là người yêu thích văn học, Thuỳ Trâm đọc nhiều sách, thuộc nhiều thơ, bị ảnh hưởng rất lớn bởi tính cách của các nhân vật lý tưởng trong văn học như Pavel Korchagin trong ‘Thép đã tôi thế đấy’, Ruồi trâu.... Đó là những nhân vật mà chất lý tưởng luôn rừng rực trong trái tim thanh xuân của họ. Với lý tưởng sống đã chọn, Đặng Thùy Trâm đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường. Là người phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi - thực chất là một bệnh xá tiền phương, chị đã lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở...

Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm.

Nhật ký đơn thuần chỉ là ghi chép hàng ngày của mỗi người, nhưng những bức thư chị viết trong thời gian công tác ở đây trong “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” lại chất chứa biết bao tình cảm, tình yêu trong sáng, mãnh liệt và thánh thiện cho người bệnh, cho đồng chí, cho đồng bào, cho Tổ quốc. Chị quan niệm “… Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này”.

 

 A A3.jpg

 

Trong nhật ký của chị có một tình yêu rộng lớn, một tình người gắn với lý tưởng sống, lẽ sống của cuộc đời chị, đó là tình cảm với nhân dân, với đồng đội. Khi đứng lớp giảng bài cho học sinh của lớp y tá sơ cấp, xót thương những đứa em và cũng là đồng đội cùng chiến đấu với mình do hoàn cảnh chiến tranh mà không có điều kiện học tập, chị đã tâm sự: “Mình đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm, mà cả bằng tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao thiệt thòi đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được”.

Đặc biệt, chị dành cho thương binh một thứ tình cảm như người thân ruột thịt. Chị đã cứu sống biết bao thương binh, cán bộ và nhân dân trong vùng... Nhưng chị cũng đã cắn răng bật khóc biết bao lần, tự dày vò bản thân khi có ca thương binh nặng mà với khả năng và điều kiện của bệnh xá tiền phương không thể cứu chữa. Chị viết: “... Vừa cấp cứu cho anh nước mắt mình vừa chảy tràn trên mặt. Thương anh vô hạn, muốn tìm mọi cách cứu anh nhưng không có cách nào. Mình như một chiến sĩ hai tay đã bị trọng thương, đành nhìn quân thù vũ khí trong tay xông đến giết mình”. Và biểu hiện cao nhất của Đặng Thùy Trâm về tình đồng đội là chị xả thân, chấp nhận hy sinh khi nổ súng vào kẻ thù để bảo vệ đồng đội của mình.

Ngày 22/6/1970, Trạm xá Đức Phổ bị lính Mỹ tập kích. Chị Đặng Thùy Trâm đã anh dũng hy sinh. Chị và thế hệ cầm súng của chị mãi mãi toả sáng tuổi 20 khi mà chị viết: “Cuộc đời Thuỳ là một cuốn sổ, những dòng chữ ghi trên đó đẹp như một bài ca nhỏ, xin Thuỳ hãy ghi tiếp những dòng xứng đáng”.

Gần 50 năm kể từ ngày chiến tranh khép lại trên đất nước của chúng ta. Cái giá của độc lập, hòa bình là máu xương và sinh mệnh của bao thế hệ con người Việt Nam hi sinh, ngã xuống, là khát vọng tự do bất diệt trong trái tim rực lửa những thế hệ con người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh như chị Trâm. Chúng em có mặt trên cuộc đời khi quê hương đã im bặt tiếng súng. Chúng em chưa đi qua những ngày máy bay địch quần thảo trên bầu trời, chưa từng rời xa tổ ấm gia đình, chưa bao giờ phải giật mình trong giấc ngủ bởi lửa đạn chiến tranh. Tuổi học trò chúng em bình yên và ngọt thơm như ly trà sữa và vô tư không một vết gợn trăn trở, lo âu. Chúng em có quyền được học tập, vui chơi, tận hưởng cuộc sống mới, thỏa sức thể hiện tài năng, sáng tạo, cá tính đúng như thế hệ mình. Thế nhưng, em nhận ra, dù là ai, dù ở thời đại nào đi chăng nữa, con người không chỉ biết sống cho bản thân, không chỉ vì mình mà còn vì cộng đồng, hướng tới dựng xây, phát triển quê hương đất nước phồn vinh. Cuốn nhật kí rực lửa mà dạt dào yêu thương, hi vọng của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã cho em thấy rõ hơn những tháng ngày lịch sử đã qua của dân tộc. Nó có giá trị hơn mọi bài học lịch sử nào mà em từng được học. Bởi trong đó có những con người bằng xương, bằng thịt, có hơi thở nóng ấm tình đồng đội, có nhiệt tình yêu nước vô tư, trong sáng, cao thượng. Tình yêu đất nước của chị Trâm và những người đồng đội của chị được kết thành bởi tình cảm với quê hương, tình thương với những người anh em, đồng chí đã ngã xuống dưới làn đạn quân thù, tình cảm với đất mẹ Việt Nam. Yêu thương và căm phẫn đã bùng lên thành ngọt lửa rực cháy trong tâm hồn họ. Còn em, hôm nay sống trong hòa bình và hội nhập giữa một đất nước đang phát triển đi lên, cuốn nhật kí giúp em hiểu được ý nghĩa của cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, giá trị của hòa bình độc lập tự do cũng như lẽ sống cao đẹp mà một con người cần vươn tới. Em hiểu ra ý nghĩa cuộc sống không phải nằm ở sự dài ngắn tháng ngày, không phải được đong đếm bằng những giá trị vật chất mà ta tích cóp, sở hữu được. Có những cuộc đời như cuộc đời chị Trâm, dù chỉ dừng lại ở con số 27 năm nhưng chị đã sống đẹp nhất, trọn vẹn trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời mình. Trải qua những ngày đạn bom ác liệt, sinh tử trên mảnh đất Đức Phổ, chị đã nói ngày trở về mình sẽ sống hết mình mỗi phút, mỗi giây cuộc đời. Vậy tại sao chúng ta hôm nay lại phí hoài tháng năm và cơ hội làm những việc có ích, sống những điều giá trị cho bản thân, quê hương đất nước. Thời gian không đợi chờ ai, làm sao ta có thể sống hoài, sống phí cuộc đời chỉ duy nhất có một này của mình. Ai rồi cũng sẽ chết nhưng trước khi làm một hạt cát lạc vào hư vô, vùi xác thân vào đất mẹ, hãy sống hết ý nghĩa cuộc đời mình. Em thầm nghĩ về quãng thời gian học tập của mình. Trong những năm còn ngồi trên ghế nhà trường tuổi bắt đầu khôn lớn, trưởng thành. Cũng như bao bạn bè của mình, em khoác trên vai màu áo trắng tuổi học trò, nhắc nhở em  nhiệm vụ học tập, nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức, kĩ năng. Suy cho cùng học tập hôm nay là vì ngày mai của bản thân, góp phần dựng xây quê hương đất nước. Lịch sử chứng minh không làm chủ tri thức là bất lợi trên tất cả mọi mặt trận dù là tranh đấu hay dựng xây. Chị Thùy Trâm với việc nắm vững kiến thức y khoa, thành thạo tay nghề, có lập trường tư tưởng vững chãi, có phẩm chất đạo đức sáng ngời nên dù ra đi quá sớm nhưng chị đã làm được rất nhiều điều cho bộ đội và dân dân Đức Phổ, cho Đảng và đất nước. Con đường học vấn em đi còn nhiều hoa thơm và trái ngọt với vô vàn ý nghĩa tốt đẹp. Tinh thần học tập, khám phá tri thức khoa học đầy say mê sẽ là đôi cánh giúp em vượt lên tình trạng thiếu nhiệt tình như hiện nay để em thực sự sống cuộc đời mình một cách ý nghĩa nhất trong hiện tại với vai trò là một học sinh. Thái độ sống sẽ quyết đinh chất lượng cuộc sống. Cuộc đời của chị Thùy Trâm và những người thanh niên Việt Nam trong chiến tranh đẹp như vậy bởi chính lẽ sống cao đẹp của các anh chị. Đọc nhật kí chị Trâm, em hiểu ra một cuộc đời đẹp là một cuộc đời ý nghĩa. Và ý nghĩa lớn nhất của một người học sinh như em chính là học tập, tích lũy kiến thức, phát triển kĩ năng, trau dồi đạo đức.

 

 A A4.jpg

 

Một trang cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”

Cầm trên tay, cuốn nhật kí thực sự đã chạm vào trái tim em, làm bật lên bao nung nấu hành động. Điều em lo lắng là làm sao để duy trì ngọn lửa ấy trong mình giữa nhịp sống xô bồ, thực dụng nhiều cám dỗ này. Em hiểu mình cần nung nấu, đằm sâu lí tưởng đang nhen lên hôm nay để có thể đóng góp công sức, hòa mình vào sự nghiệp chung của quê hương đất nước về sau. Thế giới đang trên đà phát triển, hiện đại vươn trình độ công nghệ cao. Với truyền thống cần cù, thông minh, chịu khó, lớp người trẻ hôm nay chúng em xin được tiếp truyền ngọn lửa tự hào từ các thế hệ đi trước, phát huy sức mạnh tuổi trẻ để bảo vệ, dựng xây, phát triển đất nước. Hôm qua, máu của các anh chị đã đổ xuống. Và hôm nay, những thế hệ người Việt Nam phải tiếp tục ra sức bảo vệ nền hòa bình dân tộc, đưa đất nước đi lên cùng thế giới.

Từ nỗi đau chiến tranh, thông điệp hòa bình cất lên khắc khoải và tha thiết. Giấc mơ ấy hôm nay đã thành hiện thực để chúng em cùng bao thế hệ người Việt tiếp tục dựng xây quê hương, đưa đất nước đến với phồn vinh, hạnh phúc. Xin gửi đến người liệt sĩ, bác sĩ kính mến lòng biết ơn và cảm phục!

  Câu 02: Em hãy xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc
cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt đối với các bạn là trẻ em ở vùng sâu, vùng
xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật chữ in? (Nêu được mục tiêu, đối
tượng hưởng lợi, nội dung công việc thực hiện, dự kiến kết quả đạt được)
.

      Là một người được sinh ra trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão và may mắn được thừa hưởng những tiến bộ của khoa học hiện đại, em ý thức rất rõ về tầm quan trọng của việc đọc sách và ý thức phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng trong giai đoạn hiện nay.

          Mục đích phát triển văn hóa đọc của em là hướng tới việc phát triển thói quen đọc sách và nâng cao kỹ năng, phương pháp đọc sách cho bản thân và cho từng cá nhân trong cộng đồng. Nhưng yếu tố quan trọng và quyết định đi đến đích cuối cùng chính là vận dụng các kiến thức từ sách vào thực tiễn đời sống. Từ đó sẽ giúp nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa của con người; giúp nâng cao dân trí, tạo tiền đề để mở mang trí tuệ, mang đến cho con người nhiều cơ hội để phát triển và hướng tới thành công. Đối tượng hưởng lợi của hoạt động hướng tới những hội viên yêu sách nói riêng và cộng đồng nói chung. Phạm vi tác động chủ yếu trước mắt là ba xã lân cận gần khu vực địa phương em đang sinh sống của huyện Lệ Thuỷ.  Việc thành lập câu lạc bộ sách của các xã sẽ được diễn ra trong các trường học, phường xã. Các giáo viên, học sinh phụ trách mảng thư viện tại mỗi trường, mỗi phường xã sẽ là người tổ chức thực hiện công việc

          * Các kế hoạch cụ thể đối với bản thân

          Em sẽ tích cực lan tỏa tình yêu đọc sách của mình đến với những người cùng chung niềm đam mê, sở thích hơn cả là những người chưa thích đọc sách. Em sẽ tuyên truyền cho cộng đồng thấy rằng sách góp phần hình thành nên nhân cách con người, giúp con người ta nâng cao tri thức của mình. Nhân cách con người giống như một mầm cây nhỏ và mỗi cuốn sách là một giọt nước. Đọc nhiều sách cũng giống như tiếp thêm dinh dưỡng cho mầm cây nhỏ đó phát triển xanh tốt trở thành những cây trưởng thành giúp ích cho xã hội.

Kế hoạch triển khai chương trình: “Thư viện về bản” giai đoạn 2024 - 2026

I. THÔNG TIN CHƯƠNG TRÌNH:

1. Tên chương trình: Thư viện về bản

2. Mục đích:

 Hiện nay có rất nhiều điểm trường trên vùng cao không có tủ sách, học sinh không có cơ hội tiếp cận với các nguồn sách, truyện dù các bạn rất ham học. Chính vì thế, dự án ra đời nhằm mang sách, truyện đến gần hơn với các em học sinh vùng cao. Qua đó góp phần vào công cuộc nâng cao dân trí cho đồng bào, góp phần vào công cuộc khai phóng, thay đổi cuộc đời của rất nhiều con người.

3. Đối tượng thụ hưởng:

- Người dân tại các điểm dân cư, làng, thôn, ưu tiên cộng đồng dân cư có sinh hoạt thường xuyên tại tổ dân phố, nhà sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng;

- Học sinh tại các trường học, điểm trường, lớp học vùng cao, biên giới;

Tùy tình hình thực tế mà chương trình điều chỉnh, bổ sung đối tượng phù hợp.

4. Các loại sách và sản phẩm tiếp nhận của chương trình:

Sách: sách mới hoặc sách cũ nhưng còn khả năng sử dụng, thuộc một số loại sau đây:

- Sách, báo dành cho thiếu nhi, sách các cấp.

- Truyện tranh: lịch sử, cổ tích, song ngữ; Truyện chữ.

- Sách văn học, thơ – ca.

- Sách môi trường, kiến thức - bách khoa.

- Sách ngoại ngữ.

- Sách đạo đức, kỹ năng sống, sách văn hóa.

- Sách khác: tô màu, luyện chữ.

Đối với sách giáo khoa, sách tham khảo dự án vẫn tiếp nhận nhưng chỉ trao tặng kèm hoặc chuyển qua chương trình Quà chia sẻ để tặng quà theo đợt, năm.

II. NỘI DUNG HÀNH ĐỘNG:

1. Khẩu hiệu hành động:

“Hãy cùng Thư viện về bản nâng cao văn hoá đọc của người Việt!”

2. Mục tiêu hành động:

Giai đoạn 2024 - 2026, mỗi năm phấn đấu hỗ trợ thêm ít nhất 800 - 1000 cuốn sách, trao tặng ít nhất 10 tủ sách - thư viện cho các trường học, lớp học vùng cao, mái ấm, hỗ trợ thêm ít nhất 300 trẻ em được tiếp cận với sách, truyện, xây dựng thói quen đọc sách.

3. Nội dung triển khai:

 a. Vận động sách, cơ sở vật chất và nguồn lực để thực hiện kế hoạch:

- Tập trung vận động nguồn lực từ cộng đồng, cộng đồng đọc sách, yêu sách, các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, mạnh thường quân ủng hộ kinh phí, sách, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác để thực hiện dự án.

- Đẩy mạnh công tác vận động sách lẻ từ cộng đồng để có nguồn lực thường xuyên, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

- Hằng năm đẩy mạnh việc tổ chức Chương trình “Đổi sách lấy đồ chơi” và thường xuyên tổ chức các chương trình, chiến dịch gây quỹ, vận động ủng hộ sách và nguồn lực để thực hiện kế hoạch “Thư viện về bản”.    

- Hoàn thiện quy trình sau quyên góp chi tiết, đảm bảo kiểm tra được nguồn thu, phân loại đầu sách theo thể loại và độ tuổi, có bảo quản, quản lý được đầu sách.

b. Thực hiện các Thư viện, tủ sách và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển văn hóa đọc

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, các đơn vị thụ hưởng để khảo sát, lựa chọn địa điểm để thành lập các tủ sách, thư viện, không gian đọc tại các điểm dân cư; truờng học, bnh vin, lớp học vùng cao, biên giới; không gian đọc, thư viện cộng đồng khắp cả nước.

- Hằng năm, hằng quý lồng ghép vào Chương trình Công tác tổ chức, quản lý các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng bền vững để hiện thực hóa mục tiêu của kế hoạch đề ra.

- Phối hợp với các thầy cô, cán bộ quản lý tủ sách tổ chức các hoạt động, chương trình khuyến đọc như Ngày th 7 đọc sách, V tranh cùng sách, Din kch cùng sách, góp phn lan toả văn hoá đọc, tạo thói quen đọc sách, tạo cơ hội được tiếp cận với sách, phát triển văn hóa đọc cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng trẻ em yếu thế, trẻ em vùng cao.

- Thường xuyên phối hợp với các tổ chức có kinh nghiệm, chuyên gia để tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng, số lượng đầu sách, tủ sách, thư viện, thu hút người đọc; tìm kiếm các mô hình thư viện hay để học hỏi, hoàn thiện và áp dụng hệ thống của Thư viện về bản.

          Chương trình sẽ rất thiết thực cho học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa

4. Dự kiến kết quả đạt được

Chương trình nếu triển khai sẽ tiếp cận được nhiều người hơn, thu về được nhiều tủ sách và tủ đồ chơi hơn cho các em, sớm phủ kín được các tủ sách tại các điểm trường vùng cao, góp phần tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đến với cuộc thi em mong muốn thông qua việc hoàn thành bài dự thi để rèn kĩ năng đọc và hi vọng kết quả sẽ tiếp thêm động lực cho em trên hành trình đọc và xây dựng thói quen đọc của bản thân.

          Ngoài ra em cũng mạnh dạn tham gia câu lạc bộ những người bạn yêu sách để được trao đổi, chia sẻ những điều đọc được cùng các bạn.

          - Chúng em cũng đã lên kế hoạch kêu gọi và quyên góp, ủng hộ sách để trao tặng cho những em nhỏ vùng núi. Với sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm, em hi vọng là chúng em có thể mang nhiều cuốn sách hay đến với các bạn nhỏ vùng núi.

Với những ý tưởng nói trên, thông qua nỗ lực bản thân và các bạn trong đội nhóm, em mong sách sẽ đến gần hơn với mọi người đặc biệt là những trẻ em vùng xa xôi và chúng em dần kết nối thêm được nhiều người bạn có chung tình yêu đối với sách. Chúng em hi vọng sẽ nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều người, đặc biệt là thư viện nhà trường, quý thầy cô, các bạn bè, quý bậc phụ huynh để ý tưởng của chúng em sớm thành hiện thực. Ánh sáng từ những trang sách thật diệu kì. Cuộc đời con người chúng ta sẽ khó khăn và tăm tối làm sao nếu thiếu đi ánh sáng của những trang sách. Hãy để sách thành ngọn đuốc sáng soi tỏ cho tâm hồn tất cả những đứa trẻ và trong tương lai, chúng sẽ vững bước đi trên đôi chân của mình để dựng xây cuộc đời, cống hiến cho quê hương đất nước.

Thông qua chương trình, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực tiếp cận thông tin và tri thức của người dân Việt Nam, đặc biệt là phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của thế hệ trẻ.

 

 

 

Lê Thị Hương Giang - HS lớp 7A
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Dương Thị Thu Hương
Dương Thị Thu Hương
Hiệu trưởng - 0942842370
Đinh Thị Mỹ Lệ
Đinh Thị Mỹ Lệ
Admin - 0376663787
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS SEN THỦY - HUYỆN LỆ THỦY, TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3502210 - Email: thcssenthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com